TTO – Không viết chung chung trong bài luận xin học bổng du học, kể câu chuyện của chính mình, tìm hiểu ‘gu’ của đơn vị cấp học bổng trước khi nộp… cơ hội giành học bổng du học của bạn sẽ cao hơn.
Ảnh: Dream studies abroad
“Săn” học bổng du học có khó không? Dưới đây là 5 “mẹo” nhỏ giúp bạn chinh phục hành trình tìm học bổng dễ dàng hơn.
Mỗi tuần 9 tiếng
Bạn cần lên một kế hoạch chi tiết và cả chiến lược để “săn” học bổng. Trung bình mỗi tuần bạn cần dành khoảng 9 tiếng cho quá trình nộp hồ sơ, bao gồm cả chuẩn bị giấy tờ, lên ý tưởng và viết bài luận, liên hệ với cấp trên, đồng nghiệp hoặc giáo viên cũ để xin thư giới thiệu và chờ họ hoàn thành thư để gửi lại cho bạn.
Thống kê dữ liệu về các học bổng
Lập danh sách các học bổng, tên học bổng, yêu cầu, thời hạn nộp. Từ các thông tin này, hãy đối chiếu với điều kiện và khả năng của bản thân để chọn lọc lại những học bổng tiềm năng nhất.
Nhiều ứng viên trượt học bổng chỉ vì bỏ sót một vài yêu cầu nhỏ trong hồ sơ hoặc bài luận. Điều này khiến bạn vừa mất thời gian, vừa “khuyến mãi” thêm cho bản thân cảm giác thất vọng vì không giành được học bổng chỉ vì những sai lầm không đáng có.
Tìm hiểu về đơn vị cấp học bổng
Bạn cần tìm hiểu về tổ chức sẽ cấp học bổng cho mình, đặc biệt là về tầm nhìn, chiến lược cũng như những giá trị cốt lõi của đơn vị này, hoặc những đóng góp của đơn vị cho xã hội, bao gồm việc cấp học bổng cho các ứng viên trước bạn.
Thông tin này sẽ giúp bạn có cái nhìn sơ lược về “gu” chọn ứng viên của đơn vị trao học bổng. Họ tìm kiếm điều gì ở các bạn trẻ? Thành tích học tập, tiềm năng lãnh đạo hay những đóng góp cho cộng đồng?
“Săn” những học bổng ít cạnh tranh
Nhìn nhận những học bổng chính phủ, học bổng đến các quốc gia phổ biến như Anh, Pháp, Đức, học bổng trong các ngành kinh tế – tài chính… có độ cạnh tranh cao, nhiều ứng viên đã tìm ra con đường tuy hẹp hơn, nhưng lại “dễ thở” hơn, đó là “săn” những học bổng có độ cạnh tranh thấp.
Ví dụ, nếu bạn muốn học tiếng Pháp, hãy đăng ký học tại Senegal thay vì tại Pháp. Điều này giúp giảm tỉ lệ chọi giữa bạn với các thí sinh khác.
Tập trung vào chi tiết trong bài luận
Tuyệt đối tránh những câu văn chung chung trong bài luận xin học bổng, ví dụ như “Tôi luôn quan tâm đến ngành STEM” hay “Tôi muốn tìm hiểu các nền văn hóa mới”.
Thay vào đó, hãy kể câu chuyện của chính bạn. Trải nghiệm nào đã khiến bạn muốn tìm hiểu các nền văn hóa? Vì sao bạn yêu thích STEM? Ai đã truyền cảm hứng cho bạn? Bạn đã từng vượt qua cú sốc văn hóa nào chưa? Hãy biến những câu nói chung chung thành các câu chuyện của riêng bạn.
Ngoài ra, đừng quên nói thêm về kế hoạch đóng góp cho cộng đồng sau khi bạn hoàn thành việc học, kể cả khi bài luận không yêu cầu. Đơn vị cấp học bổng muốn biết rằng ứng viên họ chọn lựa là xứng đáng bởi người đó không chỉ học hành tốt mà còn trưởng thành và lan tỏa giá trị tích cực cho xã hội.
BÌNH MINH tổng hợp
Theo Tuổi trẻ Online